Author: Hoàng Liên

Tin tức chung

Điều gì khiến EU đang tụt hậu so với Mỹ, Trung Quốc? 

Theo New York Times, EU đang rơi vào cuộc khủng hoảng về năng lực cạnh tranh trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc liên tục chạy đua giành ưu thế trên trường kinh tế toàn cầu.

Tỷ trọng của châu Âu trong nền kinh tế toàn cầu đang bị thu hẹp, làm dấy lên lo ngại rằng “lục địa già” khó có thể theo kịp Mỹ và Trung Quốc. 

Trong một báo cáo về tương lai của của thị trường chung Liên minh châu Âu (EU), cựu thủ tướng Ý Enrico Letta nhận xét: “Chúng ta quá nhỏ bé”. 

Ông Nicolai Tangen, người đứng đầu quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới đến từ Na Uy, nói với Financial Times: “Dân châu Âu không có nhiều tham vọng”. “Còn người Mỹ làm việc chăm chỉ hơn nhiều”. 

Hiệp hội các phòng thương mại châu Âu tuyên bố: “Các doanh nghiệp châu Âu cần lấy lại sự tự tin”. 

Châu Âu được cho là đang rơi vào một “cuộc khủng hoảng về năng lực cạnh tranh”. Bên cạnh việc ban hành quá nhiều quy định, giới lãnh đạo của khối lại có rất ít quyền lực. Thị trường tài chính quá phân mảnh; đầu tư công lẫn tư  rất thấp; còn các doanh nghiệp quá nhỏ để cạnh tranh trên quy mô toàn cầu. 

Trong khi đó, Bắc Kinh và Washington đang rót hàng trăm tỷ USD nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, năng lượng thay thế và xe điện, đồng thời có tác động mạnh mẽ đến thương mại tự do của thế giới. 

Đầu tư tư nhân tại EU cũng tụt hậu. Theo báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey, đầu tư bởi các tập đoàn lớn vào khối thấp hơn 60% so với Mỹ trong năm 2022, đồng thời tăng trưởng đầu tư vào Mỹ cao gấp 2/3 lần EU. 

Về thu nhập bình quân đầu người, tính trung bình, EU thấp hơn 27% so với Mỹ. Tăng trưởng năng suất chậm hơn so với các nền kinh tế lớn khác, trong khi giá năng lượng lại cao hơn nhiều. 

Những thách thức cố hữu đối với Liên minh châu Âu ngày càng lớn trong bối cảnh trình độ công nghệ phát triển nhanh chóng, xung đột quốc tế ngày càng tăng và nhiều chính sách quốc gia được ban hành nhằm định hướng kinh doanh.

Trước tình cảnh hiện tại, châu Âu đã thực hiện một số biện pháp để bắt kịp thời cuộc. Năm ngoái, EU đã thông qua kế hoạch công nghiệp xanh để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng. Mùa xuân năm nay, EU lần đầu tiên đề xuất chính sách phòng thủ công nghiệp. Nhưng những nỗ lực này dường như bị lấn át bởi nguồn lực từ Mỹ và Trung Quốc. 

Trong một phân tích mới nhất, công ty nghiên cứu Rystad Energy dự báo EU “sẽ rời xa mục tiêu chuyển đổi năng lượng đầy tham vọng về điện tái tạo, công nghệ sạch và đầu tư vào chuỗi cung ứng trong khối”. 

Theo cựu chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi, cả đầu tư công và tư ở EU cần tăng thêm 500 tỷ euro mỗi năm chỉ để dành riêng cho quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm theo kịp Mỹ và Trung Quốc. 

Vẫn còn một bộ phận lớn ở châu Âu ưa thích thị trường mở và bày tỏ nghi ngờ về sự can thiệp của chính phủ. Nhưng nhiều quan chức cấp cao và lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu khẳng định cần phải có hành động quyết liệt hơn. 

Họ lập luận rằng nếu không tập hợp tài chính công và tạo ra một thị trường vốn duy nhất, châu Âu sẽ không thể thực hiện các khoản đầu tư cần thiết vào quốc phòng, năng lượng, siêu máy tính và nhiều lĩnh vực khác để cạnh tranh hiệu quả. 

Ông Letta cho biết mình đã trực tiếp trải nghiệm những rào cản đối với khả năng cạnh tranh của châu Âu khi dành sáu tháng tới 65 thành phố châu Âu để nghiên cứu báo cáo. Ông chỉ ra rằng không thể đi lại “bằng đường sắt cao tốc giữa các thủ đô châu Âu”. “Đây là một mâu thuẫn sâu sắc, cho thấy các vấn đề của thị trường chung”. 

Trong hơn một thập kỷ, châu Âu đã tụt hậu về một số thước đo khả năng cạnh tranh, bao gồm đầu tư vốn, nghiên cứu và phát triển, cũng như tăng trưởng năng suất. Nhưng theo McKinsey, khối này đang dẫn đầu thế giới về giảm khí thải, hạn chế bất bình đẳng thu nhập và tăng cường tính di động xã hội. 

Vả lại, một số khoảng cách về kinh tế với Mỹ là kết quả của sự lựa chọn. Cách biệt về tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người giữa châu Âu và Mỹ phần lớn là bởi người châu Âu trung bình chọn làm việc ít giờ hơn. 

Nhưng những lựa chọn xa xỉ như vậy đối với người châu Âu có thể biến mất nếu họ tiếp tục như hiện tại. Ông Simone Tagliapietra, thành viên cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Bruegel, cho biết các chính sách quản lý năng lượng, thị trường và ngân hàng trong khối quá khác nhau. “Nếu chúng tôi tiếp tục có 27 thị trường chưa hội nhập tốt, chúng tôi không thể cạnh tranh với người Trung Quốc hoặc Mỹ”, ông cảnh báo. 

Theo NY Times

Tin tức chung

Vì sao phải can thiệp giá vàng?

Sau 5 ngày Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán vàng miếng, giá vàng SJC trong nước giảm mạnh và chỉ còn chênh với giá vàng thế giới khoảng gần 4 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia cho rằng, việc can thiệp là cần thiết và có thành công nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt còn về lâu dài phải thay thế Nghị định 24.

Sáng 7/6, NHNN giữ nguyên giá bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng quốc doanh và Cty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) như hôm qua, ở mức 75,9 triệu đồng/lượng. Đây là lần đầu tiên sau 5 ngày cơ quan điều hành không hạ giá bán so với ngày trước đó. Biểu giá mua bán vàng miếng của SJC hiện giữ nguyên so với hôm qua, ở mức 74,9 – 76,9 triệu đồng/lượng. Các thương hiệu kinh doanh khác, như Doji, PNJ, Bảo Tín Minh Châu, Mi Hồng, cũng neo giá tương đương.

Trước đó, với các biện pháp bình ổn từ NHNN, giá vàng giảm liên tục 9 ngày gần đây. Giá vàng miếng giảm hơn 13 triệu đồng/ lượng, riêng trong bốn ngày đầu, các ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC bán trực tiếp đến người dân, giá vàng miếng giảm một triệu đồng/lượng sau mỗi đêm. 

Ngày 7/6, Ngân hàng Vietcombank mở thêm 4 điểm bán vàng tại Hà Nội và TPHCM. Thế nhưng, nhu cầu mua vàng của dân lớn, các ngân hàng không đáp ứng đủ số vàng trong ngày. Nhiều ngân hàng hẹn khách sang tuần quay lại. 

Theo lãnh đạo Vietcombank, trong ba ngày đầu mở bán (3-6/7), ngân hàng đã phục vụ 1.500 lượt khách mua vàng, với trên 10.000 lượng được bán ra. 

Trước thông tin người dân xếp hàng và khó khăn trong việc mua vàng, trả lời báo chí sáng 7/6, đại diện NHNN khẳng định, có đủ nguồn vàng cho nhu cầu chính đáng và hợp pháp, thông tin thiếu vàng là thất thiệt. 

Cơ quan quản lý khẳng định “có đủ nguồn lực và quyết tâm” để bình ổn thị trường, kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới phù hợp. Hiện, mức chênh giữa giá SJC trong nước và thế giới còn khoảng gần 4 triệu đồng thay vì 19-20 triệu như trước đây. 

NHNN cho biết đang phối hợp với cơ quan công an để xác minh và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng thị trường, đồng thời khuyến nghị người dân đề cao cảnh giác, tránh bị tác động, lợi dụng bởi các đối tượng có dụng ý xấu. 

Bên cạnh việc cung ứng vàng miếng cho nhu cầu chính đáng và hợp pháp, cơ quan quản lý nói sẽ chủ động các giải pháp xử lý hiện tượng gom hàng. Việc thanh tra các sai phạm nếu có của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng đang được triển khai khẩn trương, đặc biệt là ở Hà Nội và TPHCM.

Tin tức chung

Quy mô kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ xếp thứ 34 thế giới năm 2024.

GDP bình quân đầu người thường được sử dụng cùng với GDP để đo lường sức khỏe kinh tế và sự thịnh vượng chung của một quốc gia hoặc là thước đo cạnh tranh để so sánh nền kinh tế của các quốc gia.

Theo dữ liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2023, quy mô GDP của khu vực Đông Nam Á nói chung theo giá hiện hành đạt khoảng 3,81 nghìn tỷ USD. Trong đó, Indonesia dẫn đầu khu vực với quy mô GDP đạt khoảng 1,37 nghìn tỷ USD. Xếp thứ hai là Thái Lan với quy mô GDP năm 2023 ở mức 519,5 tỷ USD. Theo sau lần lượt là Singapore và Philippines, với quy mô GDP theo giá hiện hành lần lượt là 501,43 tỷ USD và 436,62 tỷ USD.

Đối với Việt Nam, IMF cho biết, quy mô GDP của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 433,7 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực. Với kết quả này, quy mô kinh tế của Việt Nam năm 2023 xếp trên Malaysia (415,57 tỷ USD), Myanmar (64,5 tỷ USD), Campuchia (41,86 tỷ USD), Lào (15,2 tỷ USD), Brunei (15,13 tỷ USD), và Đông Timor (2 tỷ USD). Xét trên toàn thế giới, Việt Nam hiện đang là nền kinh tế lớn thứ 35 trên thế giới.

Năm 2024, quy mô GDP của Việt Nam được IMF dự báo đạt khoảng 465,8 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực, sau các quốc gia như Indonesia (1,47 nghìn tỷ USD), Thái Lan (548,89 tỷ USD), Singapore (525,22 tỷ USD) và Philippines (471,5 tỷ USD). Nếu xét trên toàn thế giới, thứ hạng quy mô kinh tế của Việt Nam năm 2024 sẽ tăng thêm 1 bậc, ở vị trí thứ 34.

Trong khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) là giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ cuối cùng được tạo ra của nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định, biểu thị kết quả sản xuất do các đơn vị thường trú tạo ra trong lãnh thổ kinh tế của một quốc gia, thì GDP bình quân đầu người là tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia trong năm chia cho dân số trung bình trong năm tương ứng. 

GDP bình quân đầu người thường được sử dụng cùng với GDP để đo lường sức khỏe kinh tế và sự thịnh vượng chung của một quốc gia hoặc là thước đo cạnh tranh để so sánh nền kinh tế của các quốc gia.

Theo số liệu của IMF, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 4,32 nghìn USD, tăng hơn 200 USD so với năm 2022 (4,1 nghìn USD), xếp thứ 5 trong khu vực ASEAN-6, sau các quốc gia Singapore (84,7 nghìn USD), Malaysia (12,5 nghìn USD), Thái Lan (7,3 nghìn USD), Indonesia (4,9 nghìn USD).

Sang năm 2024, GDP bình quân đầu người của Việt Nam được IMF dự báo đạt khoảng 6,6 nghìn USD, tăng gần 300 USD so với 2023, xếp thứ 5 trong khu vực ASEAN-6, sau các quốc gia như Singapore (88,44 nghìn USD) và Malaysia (13,31 nghìn USD), Thái Lan (7,81 nghìn USD) và Indonesia (5,27 nghìn USD). Nếu xét trên toàn thế giớiGDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2024 sẽ ở vị trí 124 trên thế giới.